Vì sao nên chọn học Trung cấp là bước đi nền tảng vào đời?

Ngày đăng: 16-10-2017

Print Friendly Version of this pagePrint Get a PDF version of this webpagePDF

Khi học hết cấp III hầu như các bạn trẻ đều trăn trở với câu hỏi “Làm sao để vào được Đại học?”. Dù vẫn biết rằng có rất nhiều con đường đi vào đời để hướng đến tương lai, thế nhưng không nhiều người thật sự tự tin khi chọn lựa những con đường khác, để rồi hầu hết đổ dồn vào một con đường duy nhất: “học để vào Đại học”. Và cuối cùng bản thân và gia đình cảm thấy mệt mỏi vì phải gồng mình chạy theo người khác trong khi điều kiện và năng lực không đáp ứng được.

Mỗi năm cả nước có hàng triệu thí sinh tham dự các kỳ thi tuyển sinh vào các trường Đại học, thế nhưng con số đậu chỉ chiếm thiểu số, vậy thì đa số còn lại sẽ ra sao? Thi đỗ vào Đại học không phải là con đường duy nhất của một học sinh. Nếu không đủ năng lực, bạn có thể học trung cấp hay cao đẳng, hoặc học các trường nghề vì đây cũng là những nơi đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Thực tế cho thấy, biết bao người đã tạo dựng sự nghiệp mà không cần đến tấm bằng Đại học. Không phải cứ học giỏi, bằng cấp cao là sẽ thành công trong công việc, sự nghiệp.

Hãy nhìn nhận thực tế hiện nay như sau: Theo Ông Phạm Vũ Luận, Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có khoảng 100 khu công nghiệp – khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần 5-7% có trình độ Đại học, 8% trình độ cao đẳng, 60% cán bộ trung cấp. Như vậy nhu cầu sử dụng thực hằng năm chỉ khoảng 15.000 người có trình độ Đại học, cao đẳng để thay thế số lao động hết tuổi nhưng thực tế đào tạo tốt nghiệp khoảng 200.000-300.000 người.

Còn theo Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, những năm gần đây tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không có việc làm tăng mạnh. Năm 2010, người có trình độ Đại học thất nghiệp chỉ chưa đầy 60.000 người thì đến năm 2013, số người thất nghiệp có trình độ Đại học đã tăng lên thành 101.000 người. Và hiện nay con số này đã tăng lên gần 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp vì 2 nguyên nhân chính: cung vượt xa cầu và thiếu kỹ năng mềm (kỹ năng xin việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống…)

Thành công không nhất thiết là mình phải đạt được những thứ giống người khác đạt được. Không vì người ta đỗ Đại học, mình cũng phải đỗ Đại học mới gọi là có cơ hội. Phần lớn do quan niệm của xã hội, áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ và sự hướng nghiệp chưa đầy đủ nên chúng ta hoang mang khi phải lập nghiệp trên con đường không mang tên Đại học trong khi thực sự vẫn còn rất nhiều con đường khác để lựa chọn.

Bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy rất nhiều người đậu Đại học, có bằng cấp, học lực tốt nhưng vẫn khó xin việc, khi đi làm thì lại rất chật vật với công việc và mức thu nhập không cao. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy rất nhiều tỷ phú, triệu phú, những vị giám đốc không bằng Đại học trên khắp thế giới như Bill Gates (80 tỷ USD), Mark Zuckerberg (52 tỷ USD), Larry Ellison (46 tỷ USD), Michael Dell (16 tỷ USD), Roman Abramovich (13 tỷ USD). Cũng như ngay ở Việt Nam có thể điểm mặt 5 tỷ phú không bằng Đại học là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), ông Lê Phước Vũ (chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch Thủy sản Hùng Vương), bà Chu Thị Bình (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) và bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT công ty Quốc Cường Gia Lai).

Đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là duy nhất. Trượt Đại học hay học hành kém cỏi không có nghĩa là bạn cũng kém cỏi. Mỗi một con người có một tố chất riêng và một trong những tố chất đó là có phù hợp với con đường học hành hay không? Người nào có tố chất dễ thành công trong học hành, họ có thể trở thành nhà khoa bảng, nhiều bằng cấp và chọn con đường vào Đại học; bạn không có tố chất học hành, bạn có thể làm cán bộ kỹ thuật, chuyên viên, … Không thành danh cũng thành nhân, đừng phân biệt sang hèn cao thấp mà chọn nghề; nên tùy nghi theo hoàn cảnh thực tế, khả năng thật sự và sở thích của mình để vững bước trên con đường đã chọn.

Hãy suy nghĩ thật kỹ về con đường mà mình sẽ chọn lựa khi chuẩn bị vào đời. Có cần phải vào Đại học bằng mọi giá? Lựa chọn hướng đi đúng có ý nghĩa quyết định kết quả phấn đấu của cả cuộc đời sau này. Việc lựa chọn con đường vào Đại học hay các trường trung cấp, dạy nghề… là tùy thuộc vào trình độ học lực, năng khiếu bản thân cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình.

Tóm lại, Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời. Các bạn đừng vì áp lực, bằng mọi cách, với mọi giá để có mặt ở một trường Đại học nào đó bất chấp nó có phù hợp với tính cách, sở trường và năng lực thật sự của mình hay không (nhất là đối với các bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và học lực ở mức vừa phải). Vì vậy, hãy xác định cho mình một hướng đi đúng đắn và phù hợp, bình tâm suy xét, lựa chọn cơ hội phát triển cho mình với các kỹ năng mà thị trường lao động cần để sẵn sàng hòa nhập vào xã hội bên ngoài.

(St)